Tìm thấy thanh thản trong khó khăn

Trong thời gian gần đây, không khi xung quanh bị bao trùm một cảm giác nặng nề căng thẳng. Người chết ốm vì bệnh, người lê lết vì đói, người căng thẳng không biết đặt đồ ăn ở đâu. Thông tin trên mọi kênh từ báo chính thống, mạng xã hội cho đến thông tin truyền nhau trên các group Zalo Viber đều mang màu xám xịt.

Kể từ lúc mọi người bắt đầu ở nhà đến nay, tinh thần mỗi ngày một đi xuống. Lúc đầu, chắc hẳn ai cũng tặc lưỡi nói rằng chịu khó tí, mấy ngày sau sẽ hết. Nhưng càng ngồi nhà lâu, thông tin xung quanh ngày càng có vẻ tồi tệ thêm. Có lẽ, sự thật là dịch bệnh nặng lên thật. Có lẽ, mua đồ ăn khó hơn thật. Nhưng cũng có lẽ, chúng ta bị cuốn vào một vòng xoáy thừa thông tin xấu khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.

Và cũng có lẽ, do chúng ta không có niềm tin.

Photo by cottonbro on Pexels.com

Hôm vừa rồi khi nói chuyện với bố mẹ trên điện thoại, mẹ có kể mình là ông bà nội ngoại mình (đều đã 90 tuổi có lẻ) có 2 phản ứng trái chiều. Ông bà ngoại thì thực sự rất căng thẳng, mệt mỏi và thông báo sẽ chết bất kỳ lúc nào. Ông bà nội lại rất vui vẻ, điềm tĩnh trấn an tinh thần con cháu và nói rằng “Hãy yên tâm, tin rằng nhà nước sẽ lo cho”.

Thật là lạ phải không. Ông bà nội mình sống qua mấy cuộc chiến, và luôn có niềm tin sắt đá vào nhà nước và chính quyền. Gần 1 thế kỷ nay, dù có khó khăn đến mấy, ông bà luôn tin rằng chính phủ sẽ quan tâm chăm sóc và làm tất cả mọi thứ để giúp dân chúng vượt qua. Có thể, đây là bí quyết giúp tinh thần luôn lạc quan yêu đời và sống đến trăm tuổi?

Khi ông bà còn trẻ và tham gia vào bảo vệ đất nước, việc mất liên lạc mấy tháng trời không có thông tin là chuyện thường ngày. Rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng tin tưởng để con cái tham gia chiến tranh mà không có bất kỳ một thông tin gì, chỉ gặp lại khi chiến tranh đã kết thúc hoặc nhận giấy báo tử. Tất cả đều có niềm tin mãnh liệt là con/chồng/cháu họ sẽ trở lại và tin vào dẫn dắt của bộ đội.

Còn chúng ta hiện tại, thông tin thì có thừa nhưng lại rất đa nghi. Không tin là nhà nước sẽ cung cấp đủ đồ ăn, nên đổ ra mua trước khi bị cấm. Không tin dịch bệnh là nguy hiểm, nên vẫn thăm nom gặp gỡ nhau. Sự đa nghi đó cũng có nguyên do vì đến lúc cấm rồi, hệ thống đi chợ hộ và cung cấp quá tải. Nếu họ không đổ đi mua thì đúng là chỉ có chết đói. Và khi sự đa nghi được khẳng định là đúng thì lại càng đa nghi thêm.

Khi đã không có niềm tin, chúng ta lại càng căng thẳng khi phải phân biệt cái nào đáng tin, cái nào không đáng tin. Nhóm Zalo có người chia sẻ ảnh chết vì bệnh: vậy là thật hay giả? chia sẻ số điện thoại hỗ trợ khi cần: vậy là lừa hay không? Để ra được quyết định tin hay không lại phải đọc hết tất cả các nhóm thông tin để so sánh. Chúng ta sẽ rơi vào một cái hố thông tin mà như thuật toán của Google, càng đọc thông tin lại ra nhiều cái khác liên quan. Càng đọc sẽ càng đau đầu và càng loạn.

Photo by Pixabay on Pexels.com
Vậy làm sao để học tìm được sự thanh thản tâm trí, như ông bà nội mình, trong bão thông tin và sự đa nghi?

Mình từng đọc quyển sách Man’s Search for Meaning – Đi tìm lẽ sống của Viktor E. Frankl. Trong quyển sách này, tác giả kể lại hồi ức vượt qua địa ngục trần gian tại trại tập trung Auschwitz trong những năm Đức quốc xã thanh trừng người Do Thái. Quyển sách cũng ghi lại một số bài học mà tác giả đúc kết để ông ấy vượt qua được những sự tra tấn khốc liệt thời gian đó để tìm một lẽ sống vượt qua mọi khó khăn.

Chắc chắn, những điều mà chúng ta đang trải qua như căng thẳng, lo lắng về dịch bệnh và điều gì sẽ tới, không thể nào khổ bằng việc tù nhân Do Thái bị đánh đến chết. Như mình vẫn có mái nhà và đồ ăn mỗi ngày là một sự may mắn. Nhưng chính do chúng ta không trải qua khó khăn tử thần như tác giả quyển sách hay ông bà mang tính mạng ra để bảo vệ đất nước, nên khả năng chịu đựng cũng khác. Giống như việc tiêm vắc-xin để luyện cho cơ thể chống chọi với virus, chúng ta cũng phải luyện tinh thần để đối mặt với lo âu, để tìm thấy sự thanh thản vượt qua khó khăn hiện tại.

Dựa vào bài học trong quyến sách, mình thấy rằng có thể sẽ hữu ích khi chúng ta luyện suy nghĩ chiều hướng tích cực và hướng nội:

  1. Chúng ta có quyền lựa chọn cách phản ứng trong khó khăn.
  2. Khó khăn là có thật, nhưng cách mình nhìn nhận sẽ làm thay đổi mọi chuyện
  3. Tìm ra mục tiêu đạt được trong khó khăn

Mỗi khi các bạn lo lắng, cùng nhìn lại và xác định cảm xúc. Khi bạn gọi tên cảm xúc và lựa chọn “tôi cần nghĩ tích cực hơn” thì suy nghĩ tiêu cực sẽ giảm bớt. Khi bạn tức giận và hoảng loạn, bạn có thể lựa chọn cãi nhau gào thét trên các group, hoặc bình tĩnh chia sẻ với niệm chú “còn bao nhiêu người khổ hơn mình ngoài kia”. Quan trọng nhất, có niềm tin và mục tiêu đạt được sau giai đoạn này. Tin mãnh liệt, tin mù quáng là mọi thứ ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Đúng hay sai lại là chuyện khác.

Hãy nhìn những người tin vào chúa hoặc một loại đức tin nào đó, không ai có thể bảo họ đức tin của họ là sai vì họ có niềm tin mãnh liệt. Họ sống khổ sở và không thực sự có chúa hiện thực hàng ngày, nhưng họ luôn tin chúa sẽ cứu rỗi và sẽ có phép nhiệm màu. Niềm tin là một thứ khó đạt được, nhất là với những người vô thần vô chủ như mình. Nhưng có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần có một niềm tin tích cực nào đó để cùng vượt qua thời khắc khó khăn này.

Photo by Michelle Leman on Pexels.com
Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.